Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn Giám sát và phòng chống bệnh cúm A(H7N9)

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

Trước tình hình bệnh cúm A (H7N9) diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam đã có nhiều biện pháp tích cực và chủ động nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng. Ngày 06/4/2013, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Giám sát và phòng chống bệnh cúm A(H7N9).  Đây là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trên toàn quốc.

Bệnh cúm A(H7N9) là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tác nhân gây bệnh là vi rút cúm A(H7N9) có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm và chưa từng gây bệnh cho người. Người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính tiến triển nhanh với sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện tại nguồn truyền nhiễm và phương thức lây truyền của dịch bệnh vẫn chưa rõ ràng. Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia thành viên đang tiếp tục giám sát, điều tra và thu thập các thông tin về dịch tễ học, vi rút học cũng như bệnh học của dịch bệnh này.


Hiện tại vi rút cúm A(H7N9) chưa ghi nhận tại nước ta; tuy nhiên kinh nghiệm từ phòng, chống dịch SARS, cúm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1/09), thì vi rút có thể lan truyền tới nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian ngắn thông qua sự di chuyển của người bệnh, người mang vi rút không triệu chứng, qua vận chuyển gia cầm mang mầm bệnh, chim di cư. Vì vậy, ngoài các biện pháp giám sát ca bệnh, bộ tài liệu hướng dẫn còn đưa ra các tình huống dự báo từ trường hợp chưa có bệnh trên người đến trường hợp bệnh lây từ người sang người và lan rộng ra cộng đồng, bùng phát thành dịch v.v… để có các biện pháp xử lý cụ thể.
  Trong tất cả các tình huống của dịch, việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm thuộc hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia cần phải xét nghiệm thêm để xác định vi rút cúm A(H7N9) và phải duy trì liên tục nhằm theo dõi sự tiến triển của dịch và sự biến đổi của chủng vi rút mới này.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu cho bệnh này. Vì vậy, để phòng ngừa lây nhiễm cúm A(H7N9) mọi người cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường như:

– Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

– Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không vận chuyển, chế biến, sử dụng gia cầm ốm/chết/không rõ nguồn gốc.

– Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính, với gia cầm ốm/chết. Khi phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

– Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

– Tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế, … bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

– Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng.

– Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

– Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, đau họng, khó thở phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

K.T

Quyết định 1128
Hướng dẫn kèm theo

Rate this post

Tin liên quan