Bệnh tim thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân, Triệu chứng và cách điều trị

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một căn bệnh nguy hiểm, tác động tiêu cực đến chức năng bơm máu của tim, gây ra các triệu chứng đau và thiếu máu toàn thân. Sau đây, hãy cùng t4ghcm tìm hiểu những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của căn bệnh này.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là gì?

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ hay còn được gọi là bệnh động mạch vành ổn định hoặc đau thắt ngực ổn định, là một bệnh lý gây ra do động mạch vành bị hẹp làm suy giảm khả năng cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của tim.

Đồng thời, bệnh này còn có các triệu chứng như đau ngực khi gắng sức, những cơn đau xảy ra trong thời gian ngắn và sẽ đỡ khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitrates. 

Khái niệm của bệnh lý thiếu máu cục bộ ở cơ tim 
Khái niệm của bệnh lý thiếu máu cục bộ ở cơ tim

Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính

Những lý do chính gây nên tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim là:

  • Một phần cơ tim không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, hoặc do nhiều mạch máu nuôi tim bị hẹp, tắc nghẽn. Tình trạng này có thể cấp tính hoặc xảy ra trong một thời gian dài và khiến các oxy hay những dưỡng chất cần thiết cho hoạt động tim bị yếu, dẫn đến các cơn đau thắt ngực.
  • Thiếu máu cục bộ cơ tim kéo dài thường có nguyên nhân là xơ vữa, mạch máu hẹp khiến tim không được cung cấp đủ lượng máu tiêu chuẩn. Thiếu máu và oxy liên tục sẽ khiến chức năng của tế bào cơ tim suy yếu, khả năng bơm máu cũng bị tác động. Điều này có thể làm bít tắt mạch máu và gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, khiến bệnh nhân tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
  • Các cơn co thắt vành đột ngột cũng là lý do làm giảm lưu lượng máu và gây nên chứng thiếu máu cục bộ mạn tính ở cơ tim.
Căn bệnh này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nguy hiểm cho tính mạng con người
Căn bệnh này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim nguy hiểm cho tính mạng con người

Dấu hiệu, triệu chứng bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim

Chúng ta cần nghĩ ngay đến khả năng mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim mạn tính khi phát hiện bản thân có những dấu hiệu, triệu chứng như sau:

Dấu hiệu của bệnh

  • Vị trí: Thường tụ thành một vùng xuất hiện ở sau xương ức chứ không phải một điểm duy nhất. Các cơn đau có thể lan lên các vùng cổ, vai, tay, hàm, lưng, thượng vị. Hoặc phổ biến hơn là lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi lan đến tận các ngón tay út, áp út.
  • Hoàn cảnh xuất hiện: Dễ xảy ra khi người bệnh làm quá sức cảm xúc tăng mạnh, gặp lạnh, ăn quá nhiều trong bữa ăn hoặc hút thuốc lá. Các cơn đau có xu hướng xuất hiện nhiều hơn về đêm khi thay đổi tư thế.
  • Tính chất: Tình trạng chung của căn bệnh này là bệnh nhân sẽ gặp phải những cơn đau thắt ngực khẩn cấp, nghẹt thở, ngực bị đè nặng và cảm thấy lạnh buốt khắp cơ thể. Một số bệnh nhân còn gặp các triệu chứng kèm theo như khó thở, đau đầu, buồn nôn, mất sức lực,…
  • Cơn đau: Xảy ra trong khoảng từ 3 đến 5 phút, có thể dài hơn những không vượt quá 20 phút (nếu thời gian đau kéo dài hơn thì phải nghĩ ngay đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc bệnh nhồi máu cơ tim). Những cơn đau chỉ xảy ra dưới 1 phút có thể là có những nguyên nhân khác ngoài tim.
  • Ngoài ra, một số bệnh nhân sẽ không biểu hiện rõ những cơn đau mà chỉ có cảm giác tức nặng, khó chịu ở ngực, cứng hàm khi gắng sức,…

Triệu chứng của bệnh

Bệnh nhân mắc phải bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim thường sẽ có những triệu chứng tiêu biểu của 2 thể bệnh đau thắt ngực ổn định và không ổn định, mức độ và tần suất đau là không giống nhau.

Đau thắt ngực ổn định:

  • Trường hợp này phổ biến hơn do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu tích tụ lâu dần làm suy yếu lượng máu nuôi tim. Biểu hiện cụ thể của chứng bệnh này là chỉ xuất hiện khi tim cần hoạt động nhiều hơn và khi làm việc quá sức.
  • Đau thắt ngực ổn định không làm cho những mảng xơ vữa động mạch bị vỡ hay nứt gãy mà vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu của nó. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm sẽ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu.
  • Triệu chứng của thể bệnh này sẽ rõ ràng và nặng dần theo tiến độ phát triển của bệnh, tác động tiêu cực đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Tình trạng này chỉ được cải thiện khi có biện pháp can thiệp thông tắc mạch máu.
Cơn đau thắt ngực ổn định thường nặng dần theo thời gian 
Cơn đau thắt ngực ổn định thường nặng dần theo thời gian

Đau thắt ngực không ổn định

  • Đau thắt ngực không ổn định không thể dự đoán trước được, nó có thể xảy ra bất ngờ không có dấu hiệu dự báo trước và mức độ đau đớn cũng nặng nề hơn so với thể bệnh trên. Việc nghỉ ngơi hay sử dụng thuốc cũng không thể cải thiện tình trạng này. 
  • Tùy vào mức độ tắc nghẽn cơ tim mà cơn đau có thể suy giảm nhanh hay chậm. Đây là căn bệnh rất phức tạp và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
  • Bên cạnh việc đau thắt ngực, bệnh nhân còn biểu hiện các triệu chứng nặng như: khó thở, ho mạnh, chóng mặt, phù nề,…

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Việc chẩn đoán căn bệnh này đòi hỏi y bác sĩ phải khai thác tiền sử bệnh tật, khám lâm sàng, đo huyết áp, đo lường nồng độ cholesterol, nghe mô tả những triệu chứng gặp phải của người bệnh,… Từ đó, mới tiến hành thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra:

  • Điện tâm đồ thiếu máu cơ tim
  • Nghiệm pháp gắng sức
  • Siêu âm tim gắng sức
  • Chụp động mạch vành qua da
  • Siêu âm trong lòng mạch vành

Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

Sau khi chắc chắn tình trạng bệnh mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ sẽ điều trị bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính thông qua phương thức loại bỏ nguyên nhân gây bệnh là xơ vữa mạch máu, mạch máu bị hẹp và tắc nghẽn. Khi đó, lưu lượng máu nuôi tim được cung cấp đủ trở lại, làm tốt nhiệm vụ của mình và các triệu chứng của bệnh sẽ dần được cải thiện.

Hiện nay, các phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất bao gồm: dùng thuốc, phẫu thuật kết hợp chăm sóc tại nhà.

Thuốc điều trị

Hầu hết các thuốc điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ có khả năng làm suy giảm triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, hồi phục chức năng cơ tim. Các loại thuốc có thể sử dụng như:

  • Thuốc hạ mỡ máu: Giúp nồng độ Cholesterol được cân bằng, tránh tích tụ xơ vữa động mạch làm thu hẹp mạch máu.
  • Thuốc chống đông máu: Giảm nguy cơ tụ thành máu đông khi xơ vữa động mạch vỡ ra, hạn chế nguy cơ nhồi máu cơ tim.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: Chỉ dùng trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện rối loạn nhịp tim.
  • Thuốc giãn mạch: Được dùng khẩn cấp để giảm nhanh các cơn đau thắt ngực gây ra do cơ tim bị thiếu máu.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Có hiệu quả trong việc giãn mạch, giữ huyết áp ổn định, tăng khả năng tuần hoàn máu.
  • Thuốc lợi tiểu: Làm giảm huyết áp, giảm những triệu chứng phù nề, khó thở do bệnh thiếu máu gây ra.
  • Thuốc ức chế men chuyển: làm giảm bớt các triệu chứng xuất hiện do bệnh.

Nếu bệnh nhân có những triệu chứng hoặc các bệnh lý khác kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định những liều thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ.

Điều trị bằng thuốc với những trường hợp nhẹ 
Điều trị bằng thuốc với những trường hợp nhẹ

Phẫu thuật điều trị

Nếu mạch vành của bệnh nhân bị tắc nghẽn nặng, không thể can thiệp bằng thuốc thì phẫu thuật là phương pháp cần thiết và nên được thực hiện sớm để không gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Hai phương pháp phẫu thuật tiêu biểu trong điều trị thiếu máu cục bộ cơ tim là đặt stent, nong mạch vành và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Chỉ nên điều trị ngoại khoa khi thật sự cần thiết. Ngoài ra, khi phẫu thuật kết thúc, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt, sinh hoạt điều độ để quá trình phục hồi bệnh được an toàn và hiệu quả hơn.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính có nguy hiểm không?

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là một bệnh lý tim mạch cực kỳ nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Bệnh nhân sẽ gặp phải những biến chứng nặng nề như:

  • Biến chứng suy tim: Căn bệnh sẽ làm xuất hiện những tổn hại cơ tim, khả năng bơm máu của tim giảm sút, khiến tim ngày càng yếu ớt và dần dần bệnh nhân xuất hiện những triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, liên tục mệt mỏi,…
  • Biến chứng rối loạn nhịp tim: Tình trạng này nếu để lâu dài sẽ gây nên bệnh rối loạn nhịp tim từ đơn giản đến trầm trọng như: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất,… rung thất gây đột tử ở người.
  • Biến chứng nhồi máu cơ tim: Đây chính là hệ quả nặng nề nhất của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Trường hợp này xảy ra khi động mạch vành hoàn toàn tắc nghẽn, dẫn đến tình trạng thiếu máu, oxy và dinh dưỡng cần thiết cho tim, khiến một vùng cơ tim bị hoại tử. Nếu không được phát hiện sớm sẽ làm người bệnh bị suy tim hoặc đột quỵ.
  • Tổn thương van tim do cấu trúc cơ tim bị biến dạng: Có thể khiến các hoạt động cơ tim bị thay đổi và gây nên hở van hai lá ở tim.

Biện pháp phòng ngừa thiếu máu cơ tim cục bộ

Mọi người có thể giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ nhờ vào áp dụng những biện pháp sau:

  • Áp dụng lối sống sinh hoạt và nghỉ ngơi lành mạnh, phù hợp 
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác gây hại cho sức khỏe con người
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, mức độ tập thích hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Hạn chế hấp thụ các chất béo no, chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, phủ tạng động vật, bơ, sữa béo, ít ăn mặn. Tăng cường tiêu thụ cá, rau quả,….
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị kịp thời các căn bệnh, rối loạn như: Đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipid máu,… nếu có 
  • Nếu bạn béo phì hoặc tăng cân quá nhanh, nên đi khám sức khỏe và có chế độ giảm cân phù hợp
  • Tránh ăn quá no trong một bữa ăn 
  • Luôn biết cách làm việc kết hợp nghỉ ngơi điều độ, cân bằng trong cuộc sống 

Luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực trong cuộc sống; tránh căng thẳng và lo âu quá mức 

Tạm kết

Qua bài viết trên, t4ghcm đã chia sẻ những thông tin hữu ích  đến người đọc về căn bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính cũng như những nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị của nó. Nếu mọi người phát hiện bản thân có những triệu chứng của căn bệnh trên, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự đánh giá và tư vấn kịp thời của bác sĩ.

5/5 - (1 bình chọn)

Tin liên quan