Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, cách phòng ngừa

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch phổ biến và cực kỳ nguy hiểm vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh không có triệu chứng cụ thể, đặc thù. Vậy làm thế nào để nhận biết nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp? Hãy cùng t4ghcm tìm hiểu qua những thông tin sau đây. 

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng việc đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu (>= 140 mmHg) thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp được đo khi tim đang co bóp.
  • Huyết áp tâm trương (>= 90 mmHg) thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim đang ở trạng thái thư giãn. 

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp hay còn được gọi là cao huyết áp là một bệnh lý mãn tính, gây ra do hiện tượng máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Bệnh huyết áp cao dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động của cơ tim và là nguồn gốc của nhiều vấn đề tim mạch khác như: suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ,…

Tăng huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm không có triệu chứng cụ thể 
Tăng huyết áp là một căn bệnh nguy hiểm không có triệu chứng cụ thể

Bệnh cao huyết áp gồm một số loại chủ yếu:

  • Tăng huyết áp vô căn: Không có nguyên nhân gây bệnh cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp tăng huyết áp.
  • Tăng huyết áp thứ phát: Là nguyên nhân dẫn đến các bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và các vấn đề rối loạn nội tiết ở người. 
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Tình trạng chỉ có huyết áp tâm thu tăng bất thường. 
  • Huyết áp tăng trong quá trình mang thai: bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật. 

Khi bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp, áp suất máu lưu thông trong thành mạch tăng cao, gây sức ép mạnh lên các cơ mô và làm cho các mạch máu bị suy yếu dần theo thời gian. 

Nguyên nhân của gây tăng huyết áp là gì?

Tỷ lệ những người mắc bệnh huyết áp cao là người lớn tuổi không có nguyên nhân chiếm đến 90% (tăng huyết áp nguyên phát) và 10% còn lại có nguyên nhân (tăng huyết áp thứ phát).  

Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn)

Khoảng 90% những trường trường hợp mắc bệnh không xác định được nguyên nhân gây huyết áp cao. 

  • Đây là bệnh lý có tính di truyền, người bệnh có khả năng mắc bệnh cao hơn nếu nhiều người trong gia đình đã có tiền sử huyết áp cao, đặc biệt là khi lớn tuổi.
  • Ngoài ra, huyết áp cao còn có thể là hậu quả của bệnh đái tháo đường, thói quen ăn uống quá mặn, sử dụng rượu bia và chất kích thích, dư cân béo phì, lười vận động và thường xuyên áp lực, căng thẳng đầu óc. 

Tăng huyết áp thứ phát

Tăng huyết áp thứ phát chỉ chiếm 10% những ca bệnh huyết áp cao và được xác định là có nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Những nguyên nhân tăng huyết áp phổ biến ở trường hợp này là:

  • Bệnh thận: Những bệnh lý về thận như suy thận mãn tính, viêm cầu thận, hội chứng thận hư, hẹp động mạch thận,…
  • Bệnh lý tuyến thượng thận: Là tuyến nội tiết có vai trò tiết ra hormone cân bằng lượng muối – nước và huyết áp trong cơ thể. U tuyến này hoạt động bất thường sẽ làm huyết áp tăng cao, tuy nhiên có thể điều trị bằng cách cắt bỏ khối u mà không cần uống thuốc lâu dài. 
  • Những hội chứng gây ra do rối loạn nội tiết như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing,…
  • Tác dụng phụ của các loại thuốc uống chứa corticoides (điều trị bệnh viêm khớp, hen suyễn,…)
  • Hiện tượng ngưng thở đột ngột khi đang ngủ. 
  • Bệnh tim bẩm sinh do hẹp eo động mạch chủ là nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp ở trẻ em và người trẻ. Có thể phẫu thuật hoặc nong đặt stent trong lòng đoạn động mạch chủ bị hẹp để giải quyết tình trạng này. 
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cao huyết áp 
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cao huyết áp

Triệu chứng thường gặp khi bị cao huyết áp

Hầu hết, các triệu chứng tăng huyết áp đều khá mờ nhạt và khó để phân biệt với các chứng bệnh khác. Trên thực tế, những bệnh nhân đều không thể nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu cao huyết áp nào cụ thể, rõ rệt mặc dù bệnh đã ở mức khá nghiêm trọng. Chỉ có một số ít bệnh nhân trong quá trình mắc bệnh xuất hiện những triệu chứng thoáng qua như: đau đầu, khó thở, thường xuyên chảy máu cam. 

Những triệu chứng cao huyết áp chỉ được phát hiện nếu bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ
Những triệu chứng cao huyết áp chỉ được phát hiện nếu bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ

Vì những dấu hiệu tăng huyết áp đều mờ nhạt và không biểu hiện rõ cho đến khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng nên rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Khi đó, các biến chứng tim mạch có thể đột ngột biểu hiện và cướp đi mạng sống của bệnh nhân bất cứ lúc nào. 

Phương pháp chẩn đoán

Cần thường xuyên theo dõi và thực hiện kiểm tra xét nghiệm định kỳ để theo dõi tình trạng huyết áp của cơ thể. 

Hướng dẫn đo huyết áp đúng cách

Khi đi khám huyết áp tại phòng khám hoặc tự đo huyết áp tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ theo những hướng dẫn sau:

  • Nghỉ ngơi và thư giãn trước khi đo huyết áp tối thiểu 5 – 10 phút.
  • Trước khi đo huyết áp 2 giờ, không tiêu thụ các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê.
  • Tư thế đo chuẩn: Người cần đo huyết áp ngồi áp người trên ghế tựa, cánh tay duỗi thẳng đặt lên bàn, nếp khuỷu tay được đặt ngang mức tim. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tiến hành đo huyết áp ở những tư thế nằm, đứng. Người cao tuổi và người có bệnh đái tháo đường nên đo huyết áp ở tư thế đứng để xác định có hiện tượng hạ huyết áp tư thế hay không.
  • Sử dụng huyết áp kế và các thiết bị đo đạt chuẩn và đã qua kiểm nghiệm. Bề dài của bao đo ít nhất bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng ít nhất 40% chu vi cánh tay. Khi đo huyết áp, người đo cần quấn băng chặt, đặt bờ dưới bao đo trên nếp lằn khuỷu tay 2cm và đảm bảo vị trí máy hoặc mốc 0 của thang đo ngang mức tim.
  • Không nói chuyện hay di chuyển khi đang tiến hành đo huyết áp. 
  • Ở lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả hai cánh tay. Từ những lần sau, huyết áp ở tay nào có trị số cao hơn sẽ được dùng để theo dõi tình trạng huyết áp của bệnh nhân. 
  • Nên đo huyết áp tối thiểu hai lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút để đảm bảo huyết áp của bệnh nhân được đo chính xác. Nếu trị số đo huyết áp giữa hai lần chênh nhau trên 10mmHg thì cần đo lại vài lần sau đó. Giá trị huyết áp được ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng. 
  • Ghi lại chỉ số huyết áp theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Người ghi lại giá trị huyết áp không làm tròn số quá hàng đơn vị và cần thông báo kết quả cho người được đo nhanh chóng.
Chủ động theo dõi huyết áp bằng cách sử dụng máy đo huyết áp tự động tại nhà 
Chủ động theo dõi huyết áp bằng cách sử dụng máy đo huyết áp tự động tại nhà

Bệnh nhân tăng huyết áp cần làm các xét nghiệm gì?

Đối với người bệnh mắc huyết áp cao, cần thực hiện hai nhóm xét nghiệm sau:

Xét nghiệm tìm nguyên nhân huyết áp cao như hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, bệnh ngưng thở khi ngủ,…

  • Siêu âm bụng tổng quát
  • Siêu âm động mạch thận
  • Siêu âm động mạch chủ
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Chụp CT hoặc MRi bụng 
  • Xét nghiệm đa ký giấc ngủ 

Xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên các cơ quan của cơ thể 

  • Đo điện tim: phát hiện chứng dày giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim hoặc tim thiếu máu
  • Siêu âm tim: kiểm tra khả năng và chức năng hoạt động của tim
  • Xét nghiệm máu: công thức máu, chức năng thận, điện giải đồ, mỡ máu, men gan,…
  • Tổng phân tích nước tiểu: nhằm đánh giá tác động của huyết áp lên việc thực hiện chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, việc thực hiện phân tích nước tiểu còn giúp phát hiện kịp thời những bệnh lý cầu thận, ống thận, nhiễm trùng đường tiểu và các căn bệnh khác.
  • Đo vận tốc sóng mạnh nhằm đánh giá độ cứng của mạch máu
  • Đo giá trị huyết áp ở cổ chân, cánh tay để tìm bệnh hẹp hoặc tắc động mạch ở hai chân.
  • Chụp võng mạc: nhằm phát hiện những tổn thương mạch máu ở đáy mắt gây ra do thường xuyên cao huyết áp.

Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?

Tăng huyết áp là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho sức khỏe người bệnh. Những biến chứng phổ biến là:

  • Các bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, suy tim, rung nhĩ,…
  • Biến chứng về não: xuất huyết não, trí nhớ giảm sút, nhồi máu não,…
  • Biến chứng ở thận: suy thận, nguy hiểm nhất là suy thận mạn giai đoạn cuối buộc phải điều trị thay thế thận (ghép thận hoặc chạy thận)
  • Mạch máu ở mắt bị biến đổi là nguyên nhân của hiện tượng xuất huyết, phù nề mạch máu võng mạc, có thể là gây mù
  • Bệnh động mạch ngoại biên hai chân: gây ra do hai chân bị xơ vữa mạch máu gây hẹp hoặc tách mạch máu nhỏ, khiến chân bị đau khi di chuyển, nặng hơn là loét, hoại tử hoặc tàn phế.
  • Rối loạn cương dương: là căn bệnh thường gặp của chứng huyết áp cao, có thể nặng hơn nếu kèm đái tháo đường

Đối tượng nào dễ mắc bệnh tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, kể cả trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, nó thường phổ biến hơn ở những trường hợp sau:

  • Tuổi trung niên: Thông thường, ở độ tuổi 45 – 50, người bệnh thường có nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao hơn cần thường xuyên theo dõi để phát hiện và điều trị bệnh nếu có.
  • Người có lối sống tĩnh, không có thói quen vận động: Những người lười vận động, ít hoạt động thường gặp tình trạng nhịp tim bị tăng cao, tác động lên thành mạch và làm tăng huyết áp.
  • Người béo phì thừa cân: Những người béo phì thường đi kèm biến chứng mỡ trong máu gây xơ vữa động mạch ảnh hưởng xấu đến trị số huyết áp của cơ thể. Đồng thời, việc trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ khiến các mô, cơ quan cần nhiều oxy và dưỡng chất hơn để duy trì hoạt động. Từ đó, khiến thể tích máu lưu thông phải tăng lên, áp lực động mạch tăng theo gây nên bệnh cao huyết áp. 
  • Người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào: Thành phần chính của thuốc lá là nicotine chứa rất nhiều chất độc hại khiến thành mạch bị hủy hoại và làm tăng áp lực thành mạch, dẫn đến huyết áp tăng. Đồng thời, nó còn gây ra những hệ lụy khác liên quan đến bệnh tim mạch.
  • Người có thói quen ăn quá mặn: Thói quen xấu khiến cơ thể bị tích tụ nước lâu ngày gây tăng huyết áp.
  • Người mắc một số bệnh lý mạn tính: bệnh thận, đái tháo đường, suy thận cấp tính,…

Phương pháp điều trị tăng huyết áp

Để giảm thiểu những hệ quả gây ra bởi chứng tăng huyết áp, cần tiến hành điều trị bằng những phương pháp hữu hiệu. Mức huyết áp tiêu chuẩn là 130/80 hoặc thấp hơn tùy vào trạng thái sức khỏe của mỗi người. 

Mức huyết áp mục tiêu dựa vào điều kiện sức khỏe của người bệnh 
Mức huyết áp mục tiêu dựa vào điều kiện sức khỏe của người bệnh
  • Điều trị không dùng thuốc: điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tập thể dục; thiết lập chế độ ăn uống khoa học; bỏ các thuốc gây cao huyết áp; luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh áp lực, căng thẳng. 
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc theo tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ tùy theo tình trạng sức khỏe. Một số loại thuốc hạ huyết áp hiệu quả là: ức chế men chuyển, chẹn thụ thể angiotensin 2, ức chế calci, lợi tiểu, chẹn bêta. 
  • Thực hiện phẫu thuật hoặc những thủ thuật hủy thần kinh giao cảm động mạch thận, đặt stent thu hẹp động mạch trong một số trong một số trường hợp nhất định.
  • Điều trị theo từng nguyên nhân gây bệnh. 

Trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cần kiên trì uống thuốc và làm theo lời dặn của bác sĩ. Nếu có bất kỳ biểu hiện nào bất thường, hãy trao đổi ngay bác sĩ để tìm hiểu lý do và phương án khắc phục. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh việc điều trị sẽ giúp người bệnh phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm về sau. 

Cách phòng ngừa bệnh tăng huyết áp?

Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, mọi người nên thực hiện những phương pháp sau:

  • Có chế độ ăn uống hợp lý: Nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhiều loại rau củ quả, hạt và sản phẩm từ cá, thịt nạc, sữa ít béo; hạn chế ăn mặn và nạp chất béo xấu vào cơ thể.
  • Hình thành thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh từ đó giảm trị số huyết áp trong cơ thể. 
  • Hạn chế hấp thụ các chất kích thích từ rượu bia, cà phê, thuốc lá, thuốc lào.
  • Kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi giúp cơ thể luôn cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng, tránh xa căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
  • Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời những biểu hiện của bệnh huyết áp cao và những bệnh lý khác nếu có. 

Tạm kết 

Qua bài viết trên, t4ghcm đã chia sẻ đến người đọc những thông tin xoay quanh nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp. Nếu phát hiện cơ thể có xuất hiện bất kỳ biểu hiện nào của bệnh huyết áp cao, nên lập tức thăm khám và điều trị ở những cơ sở y tế uy tín để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống. 

 

Rate this post

Tin liên quan