KHÍ CƯỜI (LAUGHING GAS N2O) 

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan


TS.BS. Trịnh Tất Thắng


BV. Tâm thần TP. HCM


Khí cười (N2O) tên danh pháp quốc tế là Dinitrogen monoxide hoặc Nitrous oxide.


N2O được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân, nhưng do tác dụng yếu nên hiện nay ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác. Do hiệu quả gây mê yếu và ngắn nên N2O được ưa chuộng trong nha khoa và sản khoa (sanh thường).


Các máy gây mê hiện nay vẫn có đường vào cho N2O và thường được trộn chung với O2 theo tỷ lệ 2:1. Cần có một lượng O2 pha chung để tránh bị ngạt thở, điều mà các khí cười đang có trên thị thường có thể không có nên người hít khí N2O có nguồn gốc phi y tế có thể bị ngạt.


Cơ chế tác động của N2O khá phức tạp và vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ [5]:


                      N2O tác động trên hệ GABAA gây một hiệu ứng giải lo âu tương tự như benzodiazepine. Ngoài ra, tác động ức chế thụ thể NMDA (N-methyl-D-aspartate) cũng giải thích tác dụng tê/mê của N2O.


                      Tác động lên thụ thể  Kappa (K), một thụ thể của morphine gây đáp ứng giảm đau và sảng khoái. Ngoài ra, N2O cũng làm tăng nồng độ β-endorphin (một morphine nội sinh) gây tác động trên thụ thể µ là thụ thể đáp ứng với morphine.


Hiện nay, N2O vẫn có trong danh mục các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới [1]


N2O gây vô cảm hoặc tê mê toàn thân nhưng không mất tri giác nên nó là chất gây mê yếu. Muốn gây mê hoàn toàn, người ta phải dùng N2O phối hợp với thuốc mê đường tĩnh mạch hoặc đường hô hấp.


N2O cũng từng được chỉ định trong một số trường hợp lo âu và trầm cảm cũng như làm giảm tình trạng kích động, mê sảng trên những bệnh nhân cai rượu [2]. Ngày nay, với những tiến bộ trong y học, các dược phẩm dùng điều trị lo âu và trầm cảm có rất nhiều và rất hiệu quả nên N2O không còn sử dụng nữa.


N2O cũng được sử dụng trong sản khoa cho những trường hợp mà bà mẹ quá lo lắng hay sợ đau trong lúc sinh nở [3]


Sau khi hít 10-30 giây N2O sẽ gây 1 hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ và duy trì trong 2-3 phút và làm giảm nhẹ sự tỉnh táo. Ghi nhận có sự thay đổi trên điện não đồ (EEG: sóng chậm Delta biên độ lớn).


Khí cười được bán trên ”thị trường đen” dưới hình thức 1 bình xịt, người sử dụng sẽ bơm vào 1 bong bóng và thở ra, hít vào trong cái bong bóng đó. Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm nạc hầu họng và đường hô hấp.


Nếu sử dụng N2O thường xuyên (lạm dụng) thì có thể gây ra một số rối loạn:


                      Cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng


                      Các rối loạn khí sắc


                      Rối loạn trí nhớ


                      Rối loạn giấc ngủ


                      Các rối loạn nhịp và hạ huyết áp


                      Thiếu máu thiếu B12 do N2O làm phân hủy nhân cobalamine của B12 [4]


                      Gây nghiện


Quá liều :


                      Rối loạn vận động, suy giảm nhận thức, co giật (hiếm)


                      Với liều sử dụng cao gây suy hô hấp cấp, đặc biệt nếu tỷ lệ N2O/O2 cao hơn mức 2/1 nhiều lần và dẫn đến tình trạng thiếu oxy não cấp


                      Khả năng lệ thuộc và tăng dung nạp: do N2O bị phân hủy khá nhanh trong cơ thể nên có nguy cơ tái sử dụng và tăng dung nạp cũng như gây lệ thuộc.


Tóm lại:


N2O không bị xem là ma túy vì hiện không bị luật pháp ngăn cấm, thậm chí vẫn còn đang được sử dụng trong y học (tiêu chí bị cấm bởi luật pháp nước sở tại là tiêu chí quan trọng nhất để xác định một chất là ma túy).


Cơ chế gây nghiện được giải thích thông qua 2 con đường:


1)             Con đường khen thưởng của dopamine (dopamine reward pathways) là cơ chế gây nghiện của hầu hết các chất kích thích thần kinh như: MDMA (thuốc lắc), methamphetamine (hàng đá), cocaine, mephedrone/cathinone (muối tắm)…và nghiện phi vật chất như nghiện game, nghiện cờ bạc.


2)             Thông qua các thu thể:


– Với morphine heroin là các thụ thể µ, δ, к.


– Với cần sa và các chất được xem là cần sa tổng hợp có trong cỏ Mỹ là thụ thể Cannabinoid.


– Khí cười N2O cùng cơ chế với các thuốc nhóm benzodiazepine là các thụ thể GABA và NMDA.


Tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích với một thời gian dài đều có thể gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ. N2O cũng không là trường hợp ngoại lệ, nên sử dụng sai mục đích nó gây nhiều hệ lụy, nhất là đối với những đối tượng trẻ, thanh thiếu niên, thanh niên.


Tài liệu tham khảo


[1]  “WHO Model List of Essential Medicines” (PDF). World Health Organization. October 2013. p. 6. Retrieved 22 April 2014


 [2]Zacny, J.P., Yajnik, S., Coalson, D., Lichtor, J.L., Apfelbaum, J.L., Rupani, G., Young, C., Thapar, P. & Klafta, J.; Yajnik; Coalson; Lichtor; Apfelbaum; Rupani; Young; Thapar; Klafta (1995). “Flumazenil may attenuate some subjective effects


[3] Copeland, Claudia. “Nitrous Oxide Analgesia for Childbirth”. Pregnancy.org


of nitrous oxide in humans: a preliminary report”. Pharmacology Biochemistry and Behavior. 51 (4): 815–9. doi:10.1016/0091-3057(95)00039-Y. PMID 7675863.


[4] Synopsis of psychiatry, 2015, 11th Edition


[5] Oluwaseun A, Brown EN, Ling K et al. Nitrous oxide-induced slow and delta oscillations. Clinical Neurophysiology. 2015

Rate this post

Tin liên quan