Thành phố Hồ Chí MInh những ngày gần đây có nhiều sương mù và được cho là do tình trạng ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí sẽ dẫn đến những nguy cơ sức khỏe về hô hấp, tim mạch, ung thư.
Ảnh: nguồn thanhnien.vn |
Tình hình ô nhiễm không khí của TP.HCM
Những ngày qua, tại TP.HCM xuất hiện lớp mù đặc quánh khiến các tòa nhà, khu dân cư ‘biến hình’ sau lớp màn trắng đục. Cùng với hiện tượng này, người dân cảm nhận khóe mắt cay mỗi khi tham gia giao thông trên các tuyến đường.
Theo Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày 20/9 tại TP.HCM đo được cao nhất là 175. Ô nhiễm không khí với nồng độ bụi PM2.5 ở mức 102.7 µg/m³, cao hơn 2 lần tiêu chuẩn trung bình 24h cho phép của Việt Nam và hơn 4 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cụ thể, chỉ số AQI tại trung tâm quận 1 là 174, khu vực Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) là 166, Thảo Điền (quận 2) là 175.
Theo khuyến cáo của Cơ quan bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ thì chỉ số AQI từ 150 – 200 là mức không lành mạnh và mọi người bắt đầu bị tác động về sức khoẻ. Những người thuộc nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già, người mắc bệnh mãn tính về hô hấp, tim mạch) có thể gặp phải những tác động sức khoẻ nghiêm trọng hơn.
Tác nhân gây ô nhiễm và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe
Việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí (gồm bụi, khí Nox, Sox, Ozon…) gây tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong. Các bệnh do tiếp xúc với ô nhiễm không khí gồm suyễn, bệnh phỗi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch… Việc tiếp xúc với bụi mịn (bụi có đường kính khí động nhỏ hơn 2,5 µm) và bụi phát sinh từ khí thải động cơ có tác hại lớn hơn so với bụi thông thường.
Ảnh hưởng ở hệ hô hấp
Viêm là một đáp ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch trước sự tấn công của một tác nhân bên ngoài hoặc bên trong. Các chất ô nhiễm không khí (vi khuẩn, virus, bụi, khí độc) có thể gây nên đáp ứng viêm của các cơ quan trong hệ hô hấp. Đáp ứng viêm này của hệ hô hấp diễn ra khi tiếp xúc với chất ô nhiễm ở nồng độ cao hoặc do thời gian tiếp xúc kéo dài.
Sự viêm nhiễm đường hô hấp hay phổi gây ra các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, bệnh COPD hoặc suyễn. Sự tác động của bụi đến các cơ quan trong hệ hô hấp tùy theo kích thước hạt bụi. Bụi càng mịn thì khả năng xâm nhập vào sâu hệ hô hấp càng cao.
Ảnh hưởng đến tim mạch
Bên cạnh đó, quá trình viêm nhiễm từ những cơ quan của hệ hô hấp có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quị. Các chất ô nhiễm không khí (khói, bụi mịn) có kích thước nhỏ, các chất hóa học trong thành phần bụi có thể hòa tan hoặc các chất do cơ thể tạo ra trong quá trình đáp ứng viêm tại hệ hô hấp có thể phát tán từ phổi vào hệ tuần hoàn gây ảnh hưởng đến tim mạch.
Không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến khả năng giãn nở và co thắt của các mạnh máu. Dưới tác động của không khí ô nhiễm, của khói thuốc lá, các mạch máu đã bị giảm kích cỡ, gây cản trở lưu thông huyết mạch
Hiện tượng ô nhiễm tạo ra khả năng máu bị đông lại một cách dễ dàng hơn ở động mạch, nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim. Hiện tượng viêm nhiễm tác động lên các chức năng của mạch máu, gây bất ổn tại những mảng xơ vữa ở động mạch.
Tác nhân gây ung thư
Bụi mịn có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của DNA do các quá trình như mất cân bằng oxi hóa làm các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại hoặc hưởng đến sự chuyển hóa chất hữu cơ của DNA. Sự ảnh hưởng trực tiếp của các hóa chất trong bụi đến cấu trúc DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni, As và chất aldehyde có thể gây cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA gây nên bệnh ung thư ở phổi
Mức độ ô nhiễm ở trong nhà và ngoài trời là giống nhau
Vì ô nhiễm không khí là những chất khí và bụi có khả năng phân tán rất cao nên chúng dễ dàng xâm nhập vào bên trong nhà. Đặc biệt, đặc điểm nhà cửa ở TP.HCM thuộc khu vực nhiệt đới nên chúng ta thường thiết kế nhà thông thoáng nên khả năng xâm nhập các chất ô nhiễm không khí từ môi trường xung quanh vào bên trong nhà rất dễ dàng.
Các biện pháp bảo vệ sức khỏe
Ảnh: khẩu trang 4-5 lớp lọc và có hình dáng đảm bảo độ kín khi đeo |
Người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường giao thông. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh
Mang khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4 -5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín. Các khẩu trang y tế có hiệu quả lọc rất thấp, chỉ gồm 2-3 lớp vải không dệt. Bên cạnh đó, khẩu trang y tế cũng không đảm bảo độ kín để lọc các chất ô nhiễm có kích thước nhỏ.
Nếu có điều kiện, chúng ta nên ở trong phòng kín có thiết bị lọc không khí. Tuy nhiên, cần chú ý không tập trung quá đông người trong phòng nhỏ sẽ làm nồng độ khí CO2.
Nên lưu ý thêm và việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể qua ăn uống và tập luyện thể thao.
TS Vũ Xuân Đán – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật