Cơ sở vật chất hiện đại Cơ sở vật chất hiện đại
Dịch vụ phòng khám riêng tư Dịch vụ phòng khám riêng tư
Dẫn đầu kinh nghiệm, chuyên môn Dẫn đầu kinh nghiệm, chuyên môn
Tiên phong trong ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong điều trị Tiên phong trong ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong điều trị

Những điều cần biết về cây nở ngày đất

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

THS.BS Võ Thiên Nhàn

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: THS.BS Võ Thiên Nhàn

THS.BS Huỳnh Ảnh Kim

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: THS.BS Huỳnh Ảnh Kim

DS. Lê Kim Phụng

Hiện nay, thông tin về cây Nở ngày đất chữa bệnh gout và hạ đường huyết trên mạng phát tán rất nhanh và nhiều người dân cũng tin tưởng nên tìm mua về tự chữa bệnh. Bản thân tôi cũng là dược sĩ ủng hộ việc sử dụng cây cỏ thiên nhiên, nhưng phải dựa trên những bằng chứng khoa học, chính xác và hiệu quả. Các tài liệu Y học truyền thống trên thế giới cũng như Ajuveda không thấy nói về tác dụng chữa bệnh gout và tiểu đường của cây Nở ngày. Tuy nhiên để củng cố lòng tin của dân chúng tôi cũng xin dẫn chứng một vài công trình nghiên cứu về cây này để mọi người tham khảo.

Ảnh: chuthapdo.org.vn

Nở ngày đất, tên khoa học Gomphrena celosiodes Mart. Thuộc họ Rau dền Amaranthaceae. Cây phát triển dồi dào ở châu Phi với một vài loài thường xuất hiện ở phía Đông và Tây của Châu Phi, 120 loài được tìm thấy ở Queensland (Úc), Ấn Độ, Malaysia, vài vùng nhiệt đới Châu Mỹ và khoảng 46 loài được tìm thấy ở Brazil (theo báo cáo của Vieira và cộng sự, 2004). Nó mọc hoang ở khắp nơi trên bãi cỏ, lề đường, các vùng đất cát, rừng và rất khó tiêu diệt. Đây là loại cỏ sống lâu, mọc nằm rồi đứng, phân nhiều nhánh, rễ to. Thân có rãnh sâu, có lông nằm trên thân. Lá không cuống, đầy lông màu trắng ở mặt dưới lá. Cụm hoa hình bông trụ rộng khoảng 1cm, dài 2-3cm, có mang lá bắc phía dưới hoa 5-6mm, hoa có màu trắng. Không nên nhầm với cây Cúc bách nhật cùng chi nhưng khác loài (Gomphrena globosa L. Amaranthaceae), đôi khi dân gian cũng gọi là Bông nở ngày nhưng cụm hoa thì có màu đỏ tím.

Theo tài liệu y học cổ truyền Việt nam

Cúc bách nhật (Gomphrena globosa) được ghi nhận là trong hoa có chất béo và dân gian hay dùng chữa ho và hen suyễn cho người lớn, trẻ con bụng đầy, tiểu khó, sốt cao, kiết lỵ, đau đầu, đau mắt, đau khớp. Liều dùng 8-12g toàn cây phơi khô sắc uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước tắm chữa bệnh ngoài da, chấn thương bầm tím.

– Cây nở ngày đất (Gomphrena celosiodes) chỉ được dùng trong phạm vi dân gian chữa ho, cảm cúm, tiêu độc, chưa thấy nghiên cứu về thành phần hoạt chất.

Ảnh: caycanhvietnam.vn

Theo tài liệu y học thế giới

  Tại Ấn độ

Kết quả công trình nghiên cứu về tác dụng dược lý của Gomphrena celosiodes Mart. của 2 nhà khoa học Neha Sharma và Rekha Vijayvergia thuộc Plant Pathology and Plant Biochemistry Laboratory, Department of Botany, University of Rajasthan, India, đã được đăng trong Tạp chí “International Journal of Pharma and Bio Sciences”, ISSN 0975-6299, Vol 2/Issue 4/Tháng 10 – Tháng 12/2011, ghi nhận trong dịch chiết nước và cồn của cây Nở ngày có chứa đường, tinh bột, protein, chất béo và phenol. Nghiên cứu này chứng minh cây nở ngày có tác dụng kháng khuẩn (antimicrobial activity) trên 3 chủng vi khuẩn là Escherichia coli, Pseudomonas aeroginosa và Staphylococcus aureus (so sánh với Amoxylline). Các dịch chiết từ lá, hoa, thân và rễ đã được phân lập và thử nghiệm, kết quả đều cho thấy tác dụng kháng khuẩn mạnh của cây Nở ngày và đây cũng là tiền đề cho các hướng nghiên cứu mới của các viện bào chế hy vọng tìm ra những loại thuốc có tác dụng kháng sinh thực vật có ích cho con người đồng thời cũng hạn chế bớt các tác dụng phụ của hóa chất tổng hợp.


– Tại Mỹ và Brazil

Theo Ebana và cộng sự, 1991, dịch chiết nước và cồn của cây Nở ngày có chứa alkaloid, saponin, tannin, glycosid, steroid, đường đơn và terpen. Thử nghiệm chứng minh không chỉ có hiệu lực trên vi khuẩn mà dịch chiết cồn của cây Nở ngày còn có tác dụng mạnh trên các chủng nấm (antifungal activity). Cũng theo kết quả nghiên cứu của De Moura và cộng sự (2004) Gomphrena celosiodes còn có chứa nhóm flavonoid và amino acid, những hợp chất phytochemical này có khả năng thâm nhập vào các vách tế bào nấm, một cách phối hợp giữa các chất có hoạt tính sinh học làm tăng tác động ức chế sự tăng trưởng của nhiều chủng loại nấm. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Dosumu và cộng sự (2010) về hoạt tính sinh học của Gomphrena celosiodes, cũng cho thấy dịch chiết methanol có tác động kháng nấm và diệt giun sán.  

– Tại Australia

Loài Nở ngày Gomphrena celosiodes (được gọi là Khaki weed), theo 2 tác giả Parsons Cuthbertson của quyển Poisonous Plants of Australia, 1999, hai ông này xếp cây Nở ngày vào nhóm cây độc và cho rằng nó bất lợi cho chó, các gờ nhọn của hoa sẽ làm trầy xước chân của chó và gây ra bệnh về da ở một số loài gia súc. Súc vật ít ăn loại cỏ này nhưng cừu thì thường ăn những cây non và mềm. Nhưng may mắn cho cừu vì đây không phải là thức ăn chính của nó nên không gây bệnh. Tuy nhiên, tài liệu cũng ghi nhận là loại cỏ này là nguyên nhân gây bệnh sốt mùa hè, hen suyễn và viêm da ở một số người. Còn trong quyển “Plants of Western New South Wales” của tác giả Cunningham, Mulham, Milthorpe và Leigh ghi chú rằng “Ngựa được thả trên những vùng đồng cỏ có mọc nhiều loại cây này thì thấy chúng có hiện tượng lảo đảo…” (Everist 1974). Tuy nhiên, độc tố trong Nở ngày thì chưa được xác định chỉ thấy ghi nhận là có chứa nhiều oxalate. Nếu người ăn nhiều sẽ có dấu hiệu ngộ độc thường là run cơ, choáng váng, mất phương hướng nhận định, trầm cảm, sợ ánh sáng, người trở nên suy sụp tinh thần và dễ tử vong. Cũng cần chú ý với người có vấn đề bệnh mạn tính ở thận. Vì những cảnh báo trên nên mọi người cần thận trọng khi dùng.

Tóm lại, những kết quả nghiên cứu chứng minh cây Nở ngày đất tác dụng trên các chủng vi trùng, nấm và không thấy ghi nhận tác dụng giảm đau do gout hoặc làm hạ đường huyết. Nhưng trước khi được công nhận là cây thuốc có tác dụng chữa bệnh, những nhà nghiên cứu còn phải tiến hành thêm nhiều thử nghiệm nữa trước khi công bố. Vì vậy, để an toàn cho tính mạng chứng ta chớ nên tin lời đồn. Hơn nữa cây cũng có độc tính nên cần thận trọng. Có bệnh thì cần được chữa đúng thuốc đúng liều, dù thuốc chỉ là cây cỏ, vẫn phải theo lời hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, tránh để bị lừa, tiền mất tật mang. 

Rate this post

Tin liên quan