Nhiều bác sĩ vẫn hiểu chưa đúng về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

Trong một cuộc khảo sát ngẫu nhiên tại Mỹ với 1.000 người và hơn 200 bác sĩ làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa trải qua huấn luyện về nghiện ma túy cho thấy 1/2 số người trong nhóm đầu và 1/3 nhóm sau tin rằng nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) là “do yếu tố tâm lý nhiều hơn và như một lối sống lựa chọn của người nghiện hơn là một bệnh cơ thể mạn tính”.

Dạy nghề, ổn định việc làm sẽ giúp người nghiện tránh xa quá khứ, tái hòa nhập cộng đồng (ảnh internet)

Kết quả, 35 % bác sĩ lâm sàng tham gia khảo cứu không hiểu nhiều về phụ thuộc các CDTP; 66 % số bác sĩ cảm thấy trình độ văn hoá thấp là nguyên nhân của bệnh nghiện ma túy và 75 % nói thu nhập thấp cũng là nguyên nhân nghiện ngập. Ngoài ra, 12 %   cho biết cố gắng chống lại phụ thuộc các CDTP. Tuy nhiên, chỉ có 59 % số người tham gia và 88 % bác sĩ điều trị cho rằng nghiện ma túy là một loại bệnh và loại bệnh này có “vấn đề về tâm thần”.

Khảo cứu còn phát hiện 77 % người tham gia và 93 % bác sĩ điều trị trả lời tương tự như trên, nhưng bối rối hoặc e ngại người khác có thể biết lý do chính tại sao người nghiện không tìm kiếm các phương pháp điều trị.

PGS Mark  L. Kraus, Trung tâm Tư vấn điều trị nghiện Đại học Y khoa Yale, New Haven, Connecticut cho biết : “Phụ thuộc các CDTP tương tự như một căn bệnh mang tính cơ hội tác động tới 10 % – 12 % dân số”. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi rất nhiều thành viên trong cộng đồng bác sĩ lâm sàng lại góp phần vào duy trì sự phân biệt đối xử ( stigma) đối với bệnh nhân nghiện vì cho rằng nghiện ma túy là một căn bệnh mà nguyên nhân là do yếu tố tâm lý nhiều hơn là do rối loạn hoạt động của bộ não kéo dài theo định nghĩa của Hội Y khoa Hoa Kỳ về nghiện các CDTP.

Lý do không muốn điều trị nghiện phổ biến nhất bao gồm khó điều trị, đòi hỏi nhiều giấy tờ, mất nhiều thời gian và bác sĩ điều trị không muốn bị “để ý” như một người thực hành trong lĩnh vực nghiện ma tuý. Sự kỳ thị này tồn tại một cách không công bằng đối với bệnh nhân nghiện có thể có tác động tiêu cực ngay cả với những người cần được theo dõi đề phòng nghiện ma tuý.

Tại TP. HCM, sự phân biệt trong đối xử với người nghiện vẫn còn tồn tại. Thời gian làm việc của nhân viên y tế tại các phòng khám điều trị nghiện không dài, thường có những chuyển đổi sang lĩnh vực chuyên khoa khác nếu có cơ hội, cho dù đã được đào tạo huấn luyện điều trị nghiện. Có thể nói điều trị nghiện là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất vì phải tiếp xúc với đối tượng nghiện ma tuý ( thường có các rối loạn về hành vi cư xử, về nhân cách, v.v… ), vì sự phức tạp trong hoạt động tâm lý, tâm thần của người nghiện. Nói cách khác là vì đáp ứng sinh học thần kinh khác nhau ở mỗi người nghiện đối với các thuốc điều trị đồng vận nghiện thay thế (như Methadone hay Buprenorphine), đối với các thuốc đối vận và cả đối với các thuốc chuyên khoa tâm thần, các thuốc kháng retrovirus (ARV) trong các chỉ định điều trị đồng thời.

Hiểu biết chưa đầy đủ về các vấn đề trên kết hợp với cơ sở hạ tầng hạn hẹp, mức thu nhập chênh lệch so với các chuyên khoa khác có thể dẫn đến quan niệm sai về người nghiện, về người bệnh tâm thần của công chúng, và đáng tiếc, của cả một số bác sĩ và nhân viên y tế. Một vấn đề khác tương tự như các nhận định của khảo cứu trên là kết quả điều trị nghiện còn nhiều hạn chế nếu chúng ta không kết hợp chặt chẽ với hướng dẫn dạy nghề tạo công ăn việc làm cho người nghiện có thể hòa nhập cộng đồng.  Kết quả này có thể tác động tới động cơ nghề nghiệp, quan niệm của bác sĩ về điều trị nghiện, và hậu quả là sự phân biệt, tránh né bệnh nhân nghiện.

BS CK II Phạm Văn Trụ – Nguyên PGĐ BV Tâm thần. Trưởng Nhóm hỗ trợ chuyên môn Chương trình Methadone TP. HCM.

Tài liệu tham khảo:  Many Docs Still Don’t Understand Opioid Dependence.

Deborah Brauser. Jun 14, 2013. Medscape Medical News. Psychiatry

Rate this post

Tin liên quan