KHI THẤY NGƯỜI HÚT THUỐC LÁ NƠI BỊ CẤM – BẠN SẼ PHẢN ỨNG THẾ NÀO?

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

Để bảo vệ sức khỏe của chính mình, khi thấy có người hút thuốc lá tại các điểm mà pháp luật quy định cấm hút, hãy mạnh dạn nhắc nhở người hút đây là khu vực cấm, yêu cầu họ tắt thuốc hoặc đi chỗ khác hút.

Hình:Khi thấy có người hút thuốc ở những địa điểm quy định cấm hút thuốc lá, hãy lên tiếng nhắc nhở người hút đây là khu vực cấm, yêu cầu họ tắt thuốc hoặc đi chỗ khác hút.


Những nơi bị cấm hút thuốc lá?

Theo Luật PCTHTL thì những nơi sau đây là nơi cấm hút thuốc lá:

Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc;

b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;

c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Khoản 1, điều 12: Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

a) Khu vực cách ly của sân bay;

b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;

c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

Bạn sẽ nhận biết các địa điểm này khi thấy các biển báo cấm hút thuốc lá.


Vì sao bạn không được phép hút thuốc nơi bị cấm?

Tác hại của thuốc lá đến sức khỏe đã được khoa học chứng minh từ lâu. Vào giữa thập niên 1980, chúng ta còn biết thêm rằng hít phải khói từ người hút thuốc hay còn gọi là hút thuốc thụ động gây tác hại lớn đến sức khỏe thậm chí có thể còn nhiều hơn hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp. Hút thuốc lá thụ động còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người không hút thuốc lên từ 20-30 % so với những người không hút thuốc. Hút thuốc lá thụ động là một nguyên nhân làm tăng 25 đến 30% nguy cơ mắc bệnh và chết do bệnh mạch vành ở cả nam và nữ.

Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2015 thì tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 22,5%. Nói nôm na thì cứ 4 người Việt Nam thì có 1 người hút thuốc. Hút thuốc lá ở nước ta vẫn là thói quen của nam giới vì nếu chỉ tính riêng ở nam giới thì cứ 2 người thì có 1 người hút thuốc lá. Chính vì điều đó làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động. Trong khi đó hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Do đó nếu không có quy định cấm, người hút được hút thuốc lá thoải mái ở bất kỳ đâu thì khói thuốc không những gây hại cho gần 25% người hút thuốc là mà còn gây hại cho hơn 75% người còn lại không hút thuốc. Do đó Luật PCTHTL đã có quy định cấm hút ở một số địa điểm là để bảo vệ sức khỏe cho người không hút thuốc lá. Các bạn nên nhớ Luật PCTHTL không cấm hút thuốc chỉ cấm hút nơi bị cấm để không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Bạn tự do hút thuốc nhưng tự do này không được xâm phạm đến tự do của người khác và người khác họ có quyền sống trong môi trường không khói thuốc lá (Khoản 4, điều 3 của Luật PCTHTL có ghi “Bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.”). Ngoài ra, tuân thủ việc không hút thuốc  nơi  bị cấm còn là biểu hiện của hành vi văn minh lịch sự, tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.


Khi thấy người khác hút thuốc nơi bị cấm bạn nên phản ứng như thế nào?

Hiện nay theo các điều tra và nghiên cứu về tình hình sừ dụng thuốc lá tại Việt Nam cũng như TP.HCM cho thấy 80% dân cho biết khi nhìn thấy người hút thuốc lá nơi bị cấm họ cảm thấy khó chịu và không chấp nhận được hành vi trên. Trên 90% người dân đều biết tác hại của hút thuốc lá thụ động. Khi thấy hành vi hút thuốc lá nơi bị cấm thì chúng ta có các phản ứng như sau:


1.             Không lên tiếng nhắc nhở vì cho rằng đó là chuyện của người hút, sợ người hút thuốc phản ứng lại khi chúng ta nhắc nhở. Chúng ta ngồi chịu trận với khói thuốc vì cho rằng hít khói thuốc một ít cũng không sao.


2.             Ai khó chịu hơn thì tỏ thái độ nhăn nhó, che mũi. Ai khó chịu hơn nữa thì bỏ đi chỗ khác.


3.             Lên tiếng nhắc nhở người hút đây là khu vực cấm, yêu cầu họ tắt thuốc hoặc đi chỗ khác hút.

Phản ứng lên tiếng nhắc nhở người khác thì trong 10 người thì có 4 người sẽ thực hiện vì người Việt Nam chúng ta vẫn hay ngại nhắc nhở người khác khi họ vi phạm Luật không riêng gì thuốc lá. Bên cạnh đó với chế tài xử phạt của Luật chưa được thực thi nghiêm nên hiện nay vẫn còn nhiều người hút thuốc ở khu vực cấm. Việc thực hiện chế tài xử phạt là của cơ quan chức năng nhưng theo cảm nghĩ cá nhân tôi, chúng ta vẫn nên cùng nhau lên tiếng khi thấy người khác hút thuốc nơi bị ấm hoặc có phản ứng mạnh, rõ ràng để họ biết bạn đang khó chịu. Vì điều đó đang bảo vệ chính bạn, giúp xây dựng môi trường sạch không khói thuốc. Hơn nữa khi nhắc nhở người khác không hút thuốc bạn cũng đang giúp họ bỏ dần thói quen hút thuốc. Khi người hút thuốc lá họ đi đâu cũng bị cấm hút, cũng bị nhắc nhở thì ban đầu họ sẽ cảm thấy khó chịu nhưng dần rồi họ sẽ bỏ thói quen tai hại này và đây chính là điều mà Luật PCTHTL cũng đang nhắm tới.

Tóm lại, Luật PCTHTL đã có hiệu lực từ năm 2013 nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc ở một số địa điểm, bảo vệ sức khỏe cho những người không hút đồng thời gây khó khăn cho người hút để giúp họ từ bỏ thói quen hút thuốc.

Ths.BS Đinh Thị Hải Yến

Trưởng phòng KHTV– Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe

Rate this post

Tin liên quan