Cơ sở quận 7 Cơ sở quận 7
Dẫn đầu kinh nghiệm, chuyên môn Dẫn đầu kinh nghiệm, chuyên môn
Tiên phong trong ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong điều trị Tiên phong trong ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong điều trị

BỆNH SÁN DẢI LỢN

BS. Nguyễn Thùy Ngoan

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: Nguyễn Thùy Ngoan

THS.BS Võ Thiên Nhàn

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: THS.BS Võ Thiên Nhàn

THS.BS Huỳnh Ảnh Kim

Tư vấn chuyên môn - Tham vấn y khoa

Bác sĩ chuyên khoa: THS.BS Huỳnh Ảnh Kim


1.  Nhiễm sán dải lợn là gì?


Sán dải lợn có tên khoa học là Taenia solium, cơ thể sán bao gồm rất nhiều đốt kết nhau thành dải, có chiều dài trên 2 mét (700 – 1.000 đốt). Dân gian còn gọi là “sán xơ mít”.


Sán dải lợn có thể gây bệnh ở người dưới 2 dạng khác nhau:


Bệnh sán dải lợn trưởng thành.


Sán trưởng thành sống ký sinh ở đường tiêu hóa của người, phần đầu có các giác hút và móc để bám vào phần trên ruột non để hấp thu chất dinh dưỡng. Nhiễm sán dải lợn trưởng thành thường không có triệu chứng rõ rệt, có thể người bệnh bị đau bụng, rối loạn hấp thu, suy nhược cơ thể… Những đốt sán già ở cuối cơ thể con sán có thể tự đứt ra và đào thải qua phân. Thường người bệnh có thể phát hiện hàng ngày các đốt sán rời rạc hoặc một đoạn các đốt dính liền ra theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít).

 


Bệnh ấu trùng sán dải lợn


Đa phần bệnh ấu trùng sán dải lợn là biến chứng của bệnh nhiễm sán trưởng thành. Những đốt sán già rụng đi và nằm trong đường tiêu hoá bệnh nhân, nếu như có rối loạn nhu động ruột, đốt sán có thể bị đẩy ngược lên dạ dày. Đốt sán sẽ bị vỡ ra và phóng thích từ 30.000 – 50.000 trứng tại dạ dày, các trứng được hấp thu vào máu, theo vòng tuần hoàn đi đến các cơ quan rồi tạo thành rất nhiều các nang chứa ấu trùng. Nuốt phải trứng sán dải lợn qua đồ ăn thức uống cũng có thể gây bệnh ấu trùng, tuy nhiên trong trường hợp này, số lượng nang sán rất ít.


Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ, có thể sờ thấy dưới da có những u nhỏ bằng hạt đậu, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị đau đầu, động kinh, yếu liệt hoặc hôn mê. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây giảm thị lực hoặc mù.


2.  Điều trị sán lợn bằng cách nào?


Điều trị các thuốc xổ giun sán thông thường sẽ không tiêu diệt được sán dải lợn. Người bệnh nên đi khám chuyên khoa ký sinh trùng để có chỉ định điều trị đúng.


Để điều trị sán dải lợn trưởng thành có thể dùng thuốc ngắn ngày. Tuy nhiên điều trị bệnh ấu trùng sán dải lợn phải dùng thuốc đến nhiều tuần lễ và có thể phải lặp lại nhiều lần. Các thuốc điều trị ký sinh trùng thường có nhiều tác dụng phụ khi điều trị dài ngày, vì vậy người bệnh không nên tự mua thuốc uống.


3.  Khi nào cần xét nghiệm sán dải lợn?


Xét nghiệm chẩn đoán bệnh sán lợn trưởng thành là xét nghiệm phân tìm trứng sán, hoặc định danh đốt sán nhìn thấy trong phân. Chỉ định xét nghiệm phân khi người bệnh thấy trong phân có vật thể lạ không chắc là đốt sán, hoặc khi có những triệu chứng ở đường tiêu hóa nghi ngờ do nhiễm ký sinh trùng. Xét nghiệm phân để tìm trứng, ấu trùng các loại ký sinh trùng đường ruột, kể cả trứng sán dải lợn.


Xét nghiệm máu là xét nghiệm tìm kháng thể đối với ấu trùng sán dải lợn để định hướng chẩn đoán sau khi có những bằng chứng khác nghi ngờ bệnh ấu trùng. Không dùng xét nghiệm máu để tầm soát bệnh vì kết quả dù dương tính cũng không xác định thời gian mắc bệnh.


Để hình thành chẩn đoán một bệnh ký sinh trùng, bác sĩ cần thu thập nhiều thông tin từ việc hỏi bệnh, tìm hiểu về dịch tễ, tiền sử bệnh, đến việc thăm khám kỹ lưỡng để phát hiện các triệu chứng gợi ý, nếu hướng tới một bệnh nào đó bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm hoặc làm thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác phù hợp. Khi nào nghĩ đến nguyên nhân do ký sinh trùng mới chỉ định xét nghiệm ký sinh trùng để củng cố chẩn đoán.


4.  Cách phòng ngừa bệnh sán dải lợn?


Để đề phòng bệnh sán dải lợn, người dân không ăn nên thịt lợn tái, sống. Trong lúc chế biến thực phẩm nếu thấy trong thịt lợn có các nang ấu trùng giống như hạt gạo, phải tiêu hủy đi.


Nếu nghi ngờ có đốt sán trong phân, người dân nên đi khám để được điều trị sớm và triệt để nhằm ngăn ngừa biến chứng bệnh ấu trùng. Phân người bệnh phải được quản lý tốt, không đi bừa bãi, là nguồn lây bệnh cho lợn. Không nuôi lợn thả rong để tránh tiếp xúc mầm bệnh từ môi trường.


Ngoài ra để phòng nguy cơ nhiễm trứng sán, người dân nên dùng các loại đồ ăn, thức uống sạch, đã được nấu chín./.


ThS.BS. Đinh Nguyễn Huy Mẫn


Trưởng khoa Xét nghiệm


Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới

Rate this post

Tin liên quan