Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm 2018, BS. Nguyễn Quốc Chinh (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản cho biết: “Năm 2108, Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2017-2020, các kết quả đạt được ở mức cao so với kế hoạch chỉ tiêu năm. Đáng kể là tình hình thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh đã được triển khai rộng khắp các cơ sở y tế có đỡ sinh trong và ngoài công lập”.
 |
|
Trong năm qua, Thành phố đã duy trì tốt chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc trước sinh và trong khi sinh, gồm nội dung xét nghiệm giang mai, viêm gan B, HIV cho thai phụ, lồng ghép với các xét nghiệm thường quy trong khám thai định kỳ. Dịch vụ khám thai tại các cơ sở đều có nội dung tư vấn và sàng lọc trước sinh, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bổ sung sắt, xét nghiệm viêm gan B, xét nghiệm giang mai, chủng ngừa uốn ván… Trong năm, không có trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika. Đến nay, có 18.539 thai phụ đã được Trung tâm chuyển thực hiện quản lý theo địa bàn. Từ ngày 01/4/2018, Trung tâm bắt đầu sử dụng công nghệ ứng dụng tin học để trích xuất danh sách trẻ sinh trên địa bàn từ phần mềm tiêm chủng quốc gia, sau đó xác minh trẻ trên địa bàn để đưa vào theo dõi quản lý từ khi trẻ 0-60 tháng tuổi tại 319 trạm y tế phường/ xã. Hiện mạng lưới chương trình đã xác minh và đưa vào quản lý hơn 46 ngàn trẻ.
Là một Thành phố có dân số đông nhất nước, tổng số trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 500 ngàn trẻ, việc Tp. HCM giữ vững tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp góp phần đáng kể làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em chung của toàn quốc (theo số liệu 2017 suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 4,4%, suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi là 6,8%). Tất cả trẻ suy dinh dưỡng trong diện quản lý được theo dõi (cân nặng và chiều cao) hàng tháng đạt tỷ lệ từ 95% trở lên và lượng giá phục hồi dinh dưỡng định kỳ mỗi 3 tháng. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được Trung tâm duy trì đều đặn bằng các hình thức như: lồng ghép trong các buổi tiêm chủng cho bà mẹ có con nhỏ và phụ nữ mang thai tại 100% phường/xã và quận/huyện; truyền thông sức khỏe sinh sản cho khối trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, nhất là việc tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến cơ sở thiếu nguồn nhân lực chuyên môn nên các hoạt động về chương trình sức khỏe, về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, nhất là về chăm sóc thai sản.
Kim Tuyến